Chúng tôi vừa ra khỏi thành phố Hà Giang chưa được bao xa đã không còn thấy bóng dáng nhà cao tầng, chỉ có núi sừng sững, uy nghi trầm mặc, những thớ đá gối vào nhau tầng tầng lớp lớp thô ráp, sần sùi như đôi bàn tay người Mông, người Tày.
Đường lên Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn bắt đầu khó dần, nhỏ hẹp và hun hút sâu. Len lỏi trong đá núi là màu xanh của ngô, thứ đặc sản bình dân nhất của Hà Giang. Ngô được bà con trồng bạt ngàn trên các triền núi. Ngô mang lại sự no đủ, gieo vào lòng người tình yêu lao động, tạo hương men nồng say làm ngây ngất lòng người .
Đường lên Lũng Cú
Xe bắt đầu chuyển từ chạy sang bò ì ạch. Anh tài xế là người Hà Giang rất vui tính. Các bác thấy quê cháu có đẹp không? Mọi người đồng thanh: Rất đẹp! Vâng. Đẹp nhưng buồn và nghèo. Ngó lên là đá, nhìn xuống là ngô, nhưng cái tình của người Hà Giang thì lớn lắm.
Xe vượt một khúc cua tay áo, trước mắt chúng tôi là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Một bên vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, ngập mây trắng bay. Tưởng như thò tay ra là có thể chạm ngay vào bầu trời. Một thung lũng đẹp lạ hiện ra. Vài ba ngôi nhà sàn ẩn mình trong những vòm cây cổ thụ, phụ nữ Mông, Tày, Lô Lô… đang lúi húi nhặt rau, cuốc đất và làm những công việc rất thủ công.
Đi thêm một quãng xa, một thị tứ hiện ra sầm uất, người dân hối hả mua bán trong phiên chợ hôm. Màu áo váy sặc sỡ của bà con dân tộc quyện vào màu đen của đá, màu xanh của rừng tạo ra một bức tranh sống động, tươi mới của người dân vùng cao. Việc mua bán ở đây rất dễ dàng, ít có người cò kè ngả giá, bởi hàng hóa phần lớn là những sản vật nông nghiệp, rất rẻ. Khoái nhất là đám dân phượt, ăn uống thỏa thích, nghỉ ngơi vô tư chỉ mất có vài chục nghìn đồng.
Cột Cờ Quốc gia Lũng Cú
Lạ mắt và hiếu kỳ với những váy áo đủ sắc màu, xe chúng tôi dừng lại. Những chiếc gùi trên lưng của các cô gái Mông chất đầy rau, củ, quả. Trên tay họ là những cuộn len xanh đỏ, để ý thêm một chút thấy đôi que đan dắt ngay bên hông. Trong khi chờ người đến mua hàng, họ vừa tươi cười trò chuyện, vừa đan len. Chẳng hề để ý vào những mối đan nhưng đôi bàn tay họ vẫn cứ thoăn thoắt, thành thạo đến diệu kỳ. Thấy khách lạ, những cô gái Mông bụm miệng cười. Họ không nói sõi tiếng kinh, nhưng hành động cử chỉ cho đến nụ cười ánh mắt rất thân thiện. Chẳng mua được gì nhưng sau chuyến dừng chân ấy, lòng tôi bâng khuâng khó tả. Vùng cao thật quyến rũ và vô cùng ma mị.
Cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra trong mênh mông mây trời. Nhìn lại phía sau, đoàn xe như những con sâu đang bò trên dải lụa vắt vẻo trên vách đá. Đi trên con đường này, mới thấy được kỳ tích từ bàn tay, khối óc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Con đường hạnh phúc bắc qua những đỉnh múi, nối gần miền xuôi với miền ngược, xóa đi cái đói, cái nghèo và làm cho đồng bào xích lại gần nhau.
Nếm rượu ngô trong phiên chợ Mèo Vạc
Đi qua chập chùng núi, bỗng xuất hiện một thảo nguyên xanh đẹp đến nao lòng. Những đàn bò thong dong gặm cỏ, sắc đỏ, sắc hồng của váy áo hòa vào màu xanh của bắp, của lúa, của đá làm ngẩn ngơ lòng người.
Qua cổng trời Quản Bạ, đoàn chúng tôi tiếp tục men theo con đường ven suối chay lên Yên Minh. Mùa này, suối nhỏ dịu dàng như con gái nhưng ẩn chứa trong lòng nó sự hung dữ, sẵn sàng phá phách bất cứ lúc nào.
Thị trấn nhỏ Yên Minh nằm trong lòng núi, được ôm ấp bởi những thửa ruộng bậc thang, giống như những cung đàn đang tấu lên lời mời gọi: Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây, có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu. Đây Hà Giang, đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi.
Bữa cơm đầu tiên trên vùng biên cương thật khó tả, những món ăn ngon, lạ của đồng bào dân tộc được bày ra quyến rũ khi cái đói cồn cào đang gào thét trong dạ dày. Ai cũng tấm tắc khen, món giá đỗ tương hầm chân giò bùi ngậy, món măng đắng nhồi thịt ngọt mát… Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy cái thật thà và lòng hiếu khách của đồng bào.
Nếu bảo ở đâu trên đất nước ta nhiều đá thì chỉ có ở Đồng Văn. Đá xếp thành núi, núi gối lên núi tầng tầng lớp lớp kỳ vĩ. Đá ở đây mang màu thời gian, bạc phếch, gợi chút gì đó tâm linh. Đá xé toạc không gian và thời gian lao vút lên bầu trời hiên ngang, kiêu hãnh như chính người Mông, người Tày… Đá tham lam nuốt hết đất vào lòng, đến nỗi người dân Hà Giang thèm đất như thèm muối, thèm gạo. Đá nuốt đất thì bàn tay đồng bào biến đá thành đất, cũng vì thế mà đất có khắp mọi nơi trong đá. Chỗ nào ngô lúa mọc lên, chỗ đó có đất. Đất trở thành máu chảy trong lòng đá, hóa thành những chàng khổng lồ che trở, bảo vệ cho đồng bào các dân tộc Hà Giang… Mảnh đất ấy, cao nguyên ấy: Thấy nhau trong tầm mắt/ Gặp nhau mất nửa ngày nhưng sao “tình” đến thế: Khi vùi ta uống rượu mừng/ Khi buồn ta uống để cùng sẻ chia.
Bài, ảnh: TRỊNH VĂN DŨNG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét